Sự Kiện Kinh Khủng Về Tội Lỗi
“Vì mọi người đều đã phạm tội thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23)
Nếu Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương công chính như thế thì tại sao lại có quá nhiều gian ác, đau thương, sầu khổ? Tất cả những hận thù ghen ghét này đến từ đâu? Tại sao chúng ta đã tạo ra những thần tượng giả dối này? Tại sao chúng ta đi đến chỗ thờ lạy những đền miếu của lòng tham, tư lợi và tranh chấp? Tại sao nhân loại đã được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời lại rơi vào tình trạng suy đồi quá sâu đậm đến nỗi Đức Chúa Trời đã phải ban Mười Giới Răn và truyền bảo con người tuân giữ? Tại sao Đức Chúa Trời đã phải sai Con Ngài đến cứu chúng ta? Tại sao tạo vật của Đức Chúa Trời lại đầy dẫy tham dục, gian ác?
Để hiểu tình trạng này, để thấy thật rõ tại sao các nước kình chống lẫn nhau, tại sao gia đình phân rẽ, tại sao trên báo chí đầy dẫy tin tức về sự bạo hành, những hành vi điên cuồng, tàn ác, hận thù… chúng ta phải trở lại với câu chuyện A-đam tại vườn Ê-đen trong chương đầu sách Sáng Thế Ký.
Có người bảo rằng câu chuyện sáng tạo quen thuộc này chỉ là huyền thoại. Họ bảo đó là một cách giải thích đơn giản cho một câu hỏi không thể trả lời của trẻ con. Nhưng thật ra không phải như vậy. Kinh thánh cho chúng ta biết thật đích xác điều gì đã xảy ra từ đầu và tại sao con người từ đó đã trôi thật nhanh vào con đường tự hủy.
Đức Chúa Trời đã sáng tạo thế giới là một toàn thể hoàn hảo. Ngài tạo dựng một thế giới hài hòa, tốt đẹp, nhưng đã bị con người ném bỏ. Một thế giới toàn hảo ngày nay chúng ta mong có lại, một thế giới tất cả chúng ta đang tìm kiếm.
Trong cái thế giới toàn bích đó, Đức Chúa Trời đặt để một con người toàn bích. Sở dĩ A-đam toàn hảo vì không có gì Đức Chúa Trời sáng tạo lại ở dưới mức toàn hảo và trong con người hoàn toàn này, Đức Chúa Trời đã phú ban món quà quí giá hơn hết là sự sống vĩnh hằng. Ngài cũng ban cho con người món quà tự do là quyền tự do chọn lựa.
Tôi có một người bạn, Tiến sĩ M.L. Scott – một nhà truyền đạo da đen danh tiếng. Ông kể rằng một người bạn của ông có cậu con đi học xa trong một trường đại học, ngày kia trở về thăm nhà với nhiều kiến thức mới. Một buổi tối, cậu nói với cha bằng một giọng quan trọng:
“Thưa cha, từ ngày lên đại học, con thấy con không thể nào chịu nổi cái đức tin đơn sơ, trẻ con của cha đối với Kinh Thánh nữa.”
Người cha ngồi đó nhìn chăm chú gương mặt con không chớp mắt. Cuối cùng ông bảo, “Được rồi, đó là quyền tự do của con – cái quyền tự do ghê gớm của con.”
Đó chính là điều Đức Chúa Trời ban cho A-đam – quyền tự do chọn lựa. Quyền tự do ghê gớm của A-đam.
Con người đầu tiên không phải là người sống trong hang, không phải là một loài thú gầm gừ trong rừng sâu nỗ lực chế ngự những hiểm nguy của rừng rậm và thú hoang. A-đam đã được tạo dựng là một người trưởng thành hoàn toàn với mọi khả năng của thể xác và trí tuệ được phát triển đầy đủ và hàng ngày được tương giao với Đức Chúa Trời. Ý định của Đức Chúa Trời là để A-đam làm vua, cai quản địa cầu theo ý chỉ Ngài.
Đây là địa vị A-đam trong vườn, con người đầu tiên, con người toàn hảo với món quà vô giá, món quà kinh khủng là quyền tự do. A-đam có tự do hoàn toàn – tự do chọn lựa hay loại bỏ, tự do vâng theo hay chống nghịch mạng lệnh Đức Chúa Trời, tự do làm cho mình hạnh phúc hay khốn khổ. Vì không phải chỉ do sở hữu quyền tự do mà con người thỏa nguyện, vấn đề là cách con người sử dụng quyền tự do như thế nào sẽ qui định con người sẽ tìm được sự bình an với Chúa và với chính mình hay không.
Trung Tâm Của Vấn Đề
Đây là trung tâm của vấn đề, vì đúng vào lúc được ban quyền tự do, con người phải đối diện với hai con đường. Tự do trở thành vô nghĩa nếu chỉ có một con đường. Tự do hàm ý chọn lựa, quyết định phương thức hành động. Tất cả chúng ta đều biết những con người chân thật, không phải do quyền tự do chọn lựa, nhưng vì họ không có những cơ hội gian dối. Tiến sĩ Malfred Gutzke từng nói, “Xin quí vị lớn tuổi đừng nghĩ rằng quí vị ngày càng tốt hơn chỉ vì quí vị cứng hơn.” Chúng ta đều biết có những người kiêu hãnh vì họ tốt trong khi thật ra chỉ vì họ ở trong môi trường và lối sống giữ họ không thể sống bệ rạc được. Nếu chúng ta bình yên vô sự chỉ vì không có cám dỗ thì không thể khoe đã chống được cám dỗ!
Đức Chúa Trời không để A-đam trong tình trạng bất lợi, nhưng đã cho A-đam khả năng lựa chọn đồng thời cho cả cơ hội vận dụng tự do đó. Vì Đức Chúa Trời không thể làm điều gì dưới mức hoàn hảo cho nên Ngài đã đặt để A-đam trong một bối cảnh tối ưu để minh chứng ông có tùng phục Ngài hay không.
Ở trong vườn, A-đam hoàn toàn trong trắng, vô tội, không tì vết. Cả vũ trụ đặt trước mặt ông. Toàn thể lịch sử chưa viết của nhân loại trải dài như tấm giấy da mới nguyên trong tay A-đam chờ ông viết chương đầu tiên, chờ ông quyết định chọn con đường cho tất cả các thế hệ tương lai.
Đức Chúa Trời đã hoàn tất công trình của Ngài, đã tạo dựng khu vườn trên đất với đầy đủ mọi điều cho nhu cầu con người. Ngài đã tạo dựng con người toàn hảo theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài đã phú ban cho con người linh hồn và tâm trí, cho con người đầy đủ tự do để sử dụng tâm trí, linh hồn tùy ý. Cuối cùng Ngài đã hành sử như một người Cha khôn ngoan chờ xem đứa con sẽ chọn lựa điều gì.
Chọn Lựa Của Con Người
Đây là bài trắc nghiệm! Đây là thời điểm A-đam sẽ dùng ý chí tự do để chọn con đường đúng hoặc con đường sai lầm. A-đam chọn vì ông muốn chọn chứ không phải vì chỉ có một con đường duy nhất!
A-đam đã chọn. Tổ phụ loài người đã lãnh mọi hậu quả và cũng truyền lại cho toàn nhân loại nối tiếp theo sau. “Như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người…” (Rô-ma 5:18). Thánh phao-lô cũng bảo rằng, “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Vì A-đam là đầu nguồn nhân loại, ông đã phun lên như một dòng suối trong vắt, được phép chọn lựa trở thành hoặc là một dòng sông tươi mát chảy qua những cánh đồng xanh màu mỡ hay thành một dòng thác đục ngầu xô vào bờ đá và xoáy qua những dốc núi thăm thẳm, tối tăm, đau thương, lạnh lẽo, không thể nào đem vui tươi, kết quả cho vùng đất xung quanh.
Người ta không được đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về tình trạng rối loạn bi thương quá lâu của thế giới. Lỗi phạm này là của A-đam. A-đam đã được ban cho quyền chọn lựa, đã quyết định nghe theo lời dối trá của Kẻ Cám Dỗ hơn là chân lý của Đức Chúa Trời! Lịch sử nhân loại từ ngày đó cho đến nay là lịch sử nỗ lực vô ích của con người cố gắng đoạt lại địa vị đã mất do A-đam sa ngã, nhưng thất bại cho nên cũng đã không thể đảo ngược số phận bị rủa sả.
Nhưng có thể bạn sẽ bảo rằng, “Như vậy là không công bình! Tại sao ngày nay chúng ta phải chịu đau khổ vì con người đầu tiên phạm tội trong thời xa xưa? Tại sao trong suốt thời gian dài sau đó con người không thể phục hồi? Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục bị trừng phạt mỗi ngày?” Suy nghĩ thông thường hôm nay là có thể cải thiện con người nếu cải tiến môi trường. Nhưng điều kỳ lạ chúng ta cần nhận thức đó là tội lỗi đầu tiên con người đã phạm là phạm trong một môi trường toàn hảo!
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với câu chuyện của dòng sông – dòng sông lạnh, tăm tối đang lưu chảy dưới đáy vực. Tại sao dòng sông không tìm đường vươn lên chảy bên những cánh đồng ấm áp phía trên? Tại sao nó không từ bỏ chặng đường buồn thảm đó, trở thành dòng sông tràn trề hạnh phúc, vui tươi như khi nó vừa khơi nguồn trên đất? Lý do đơn giản là nó bất lực và trong nó không có sức làm điều gì khác. Một khi nó đã lao mình xuống bờ dốc thẳm vào vùng tăm tối, nó không thể tự nâng lên vùng đất bên trên rực rỡ ánh mặt trời. Phương tiện để nâng dòng sông lên vẫn có đó, vẫn hiện hữu nhưng dòng sông không hiểu phải sử dụng phương tiện đó như thế nào. Điều này nhắc tôi nhớ đến sông Hoàng Hà (nay là Trường Giang) bên Trung Hoa. Con sông này cuốn lôi bùn đất ra biển có đến hàng dậm, biến vùng nước trong xanh của đại dương thành mầu vàng đục. Nó hoàn toàn không thể làm gì khác!
Có một phép lạ luôn luôn sẵn sàng đưa dòng sông nhân loại ra khỏi cảnh khốn cùng trở lại với thung lũng ấm áp, bình yên, nhưng dòng sông không muốn. Nó cảm thấy mình không thể làm gì khác hơn là tiếp tục hành trình khốn khổ đau thương cho đến khi lạc mất vào đại dương hủy diệt.
Câu chuyện của dòng sông là câu chuyện của con người từ thời A-đam, quanh co, uốn lượn, lao xuống ngày càng sâu hơn vào bóng tối kinh hoàng. Dù đã cao giọng kêu la cầu cứu, nhưng chúng ta vẫn cố tình chọn lựa con đường lầm lạc như A-đam ngày xưa. Trong nỗi thất vọng sâu xa, chúng ta quay lại chống nghịch Đức Chúa Trời, đổ lỗi cho Ngài đã đưa chúng ta đến đường cùng. Chúng ta nghi ngờ sự khôn ngoan và sự phán xét của Ngài. Chúng ta chỉ trích lòng thương xót và tình yêu của Ngài. Chúng ta quên rằng A-đam là đầu của nhân loại, như tại Hoa kỳ Tổng thống đứng đầu chính phủ. Khi Tổng thống hành động, đó thực sự là toàn thể dân chúng Mỹ hành động qua ông. Khi Tổng thống quyết định, quyết định đó là quyết định của toàn dân.
A-đam là cội nguồn chung cho toàn nhân loại, cũng là thủy tổ chúng ta. Như chúng ta thừa hưởng các đặc tính thông minh, màu da, vóc dáng, tính tình từ ông bà, cha mẹ, thì nhân loại cũng thừa hưởng bản chất sa ngã, hư hoại từ A-đam. Khi A-đam khuất phục cám dỗ và sa ngã, những thế hệ tương lai cùng sa ngã theo, vì Kinh Thánh tuyên bố thật rõ ràng rằng hậu quả tội lỗi A-đam sẽ để lại trên từng hậu tự. Chúng ta đều biết quá rõ chân lý đắng cay trong những phân đoạn Kinh Thánh như Sáng Thế Ký 3:17-19 mô tả thảm kịch mà hành động của A-đam đã để lại cho tất cả chúng ta: “Đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sinh ra mà ăn. Đất sẽ sinh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi có ngươi ra; vì ngươi là bụi đất, ngươi sẽ trở về bụi đất.” Còn đối với Ê-va, Chúa phán: “Ta sẽ thêm cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sinh con, và sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi” (Sáng Thế Ký 3:16).
Nói cách khác, vì nguyên tội của A-đam mà đất có thời chỉ sinh ra những giống cây ích dụng, xinh tốt thì nay sinh ra cả cây xấu lẫn cây tốt. Trước đó con người sống trong vườn chỉ cần đưa tay ra là có thức ăn, không cần áo quần hay nơi ở, nay phải lao động cực nhọc suốt đời để lo cho mình và gia đình. Người nữ từng là một sinh vật vô lo hơn hết, nay đầy sầu thảm, đau buồn; Cả người nam và người nữ đều ở dưới án chết cả thuộc thể lẫn thuộc linh. Cái chết có ba phương diện: 1) chết tức khắc về phương diện thuộc linh; 2) khởi đầu của cái chết thuộc thể (từ khi chào đời chúng ta đã khởi sự bước vào tiến trình chết thuộc thể); và 3) cuối cùng là cái chết đời đời.
Tội Lỗi Xâm Nhập
Qua A-đam tội lỗi đã xâm nhập nhân loại và từ đó đến nay con người đã nỗ lực loại trừ tội lỗi nhưng không thành công. Cũng vì vậy nhân loại đã hoài công tìm kiếm phương cách có thể đảo ngược số phận bị rủa sả này. Kinh thánh cho biết Đức Chúa Trời đã cảnh cáo A-đam trước khi phạm tội rằng nếu ăn trái cây tri thức thì chắc sẽ chết. Kinh thánh cũng cho biết Đức Chúa Trời truyền dặn A-đam và Ê-va “sinh sản thêm nhiều và làm đầy dẫy đất.” Nhưng dù đã được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời, sau khi sa ngã, A-đam và Ê-va đã sinh con cái giống như họ, theo hình ảnh họ. Hậu quả là Ca-in và A-bên đã nhiễm căn bệnh tội lỗi đem đến cái chết thừa hưởng từ cha mẹ và lưu truyền cho từng thế hệ kể từ ngày đó. Tất cả chúng ta đều là tội nhân do di truyền và cho dù cố gắng đến đâu, chúng ta không thể nào thoát khỏi cái quyền thừa kế đó.
Chúng ta đã tìm đến đủ mọi phương cách để dành lại địa vị A-đam làm mất. Chúng ta đã thử dùng giáo dục, triết học, tôn giáo, chính quyền để tháo gỡ cái ách tội lỗi và sa đọa. Chúng ta đã tìm cách hoàn tất những điều Đức Chúa Trời muốn
bằng cách dùng tâm trí đã bị tội lỗi giới hạn, trong khi biết rõ rằng nỗ lực này chỉ có thể đến từ trên cao. Động cơ của chúng ta có thể tốt và những nỗ lực của chúng ta đáng khen, nhưng tất cả còn quá thấp, quá xa mục tiêu cần đạt tới. Tất cả các kiến thức, các phát minh, tất cả những tiến bộ và những kế hoạch đầy tham vọng chỉ giúp chúng ta vươn tới rất ít, để rồi ném chúng ta trở lại khởi điểm, vì chúng ta vẫn phạm cùng những lỗi A-đam đã phạm – chúng ta vẫn đang cố gắng tự làm vua bằng sức riêng, bằng quyền riêng thay vì tuân giữ luật Chúa.
Trước khi dán nhãn bất công, vô lý cho Đức Chúa Trời và đổ thừa Ngài đã cho phép tội lỗi tràn vào thế gian, chúng ta cần nhìn vào tình hình kỹ lưỡng hơn. Với lòng thương xót vô biên Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến chỉ cho chúng ta con đường ra khỏi khó khăn. Đức Chúa Trời đã đưa con Ngài đến với cùng những cám dỗ A-đam đối diện, nhưng Con Đức Chúa Trời đã đắc thắng. Sa-tan đã cám dỗ Chúa Giê-xu như nó đã cám dỗ A-đam. Sa-tan hứa dâng cho Chúa Giê-xu uy quyền và vinh quang nếu Ngài từ bỏ Đức Chúa Trời, y như những gì nó đã hứa cho A-đam qua Ê-va.
Lựa Chọn Của Chúa Cứu Thế
Điểm khác biệt lớn nhất là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chống lại cám dỗ! Khi ma quỉ chỉ cho Ngài các nước thế gian và hứa dâng cho Ngài mọi vinh quang các nước đó nếu Ngài theo nó thay vì theo Đức Chúa Trời thì Chúa chúng ta đã phán, “Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:10). Chúa Giê-xu đã hoàn toàn đắc thắng Kẻ cám dỗ để bày tỏ cho mọi người thuộc các thế hệ hậu lai bản chất vô tội của Ngài. Chúa Giê-xu chính là chiến thắng của chúng ta!
Với bản chất sa ngã và bao nhiêu yếu đuối trong cuộc sống, chúng ta đã chứng tỏ mình là con cái thật của A-đam, đã bước theo đúng từng bước chân A-đam. Có thể chúng ta không đồng ý với chọn lựa của A-đam nhưng chúng ta vẫn bắt chước A-đam! Không có ngày nào chúng ta không phải đối diện với cùng thử thách đặt trước A-đam. Không ngày nào chúng ta không có cơ hội chọn lựa giữa những lời hứa quỉ quyệt của ma quỉ và những lời chắc chắn của Đức Chúa Trời. Chúng ta mong sẽ có ngày các nỗi thất vọng, bệnh tật và sự chết biến mất, nhưng giấc mơ này không có cơ hội nào thành sự thật được chừng nào chúng ta còn là con cháu chưa được tân sinh của A-đam. Phải có cách giải quyết tội lỗi và trong những chương trước chúng ta đã thấy Đức Chúa Trời đã có hành động đối với vấn đề căn bản này của nhân loại.
Từ khởi đầu thời gian cho đến ngày nay, công cuộc tìm kiếm quyền lực đầy tinh thần vô đạo của con người, quyết tâm sử dụng quyền tự do cho những mục tiêu vị kỷ đã đưa con người đến bờ hủy hoại. Tất cả những đống đổ nát hoang tàn của bao nhiêu nền văn minh nằm rải rác khắp mặt địa cầu, là chứng nhân thầm lặng cho sự kiện con người không có khả năng tạo lập một thế giới trường tồn không có Đức Chúa Trời. Những đổ nát mới, những đau thương mới xuất hiện thêm mỗi ngày, nhưng con người vẫn tiếp tục lao vào con đường hủy hoại.
Trong lúc đó, Đức Chúa Trời với sự khôn ngoan và lòng thương xót vô tận vẫn tiếp tục dõi theo loài người, tiếp tục chờ đợi với lòng kiên trì và cảm thương không ai có thể hiểu. Ngài chờ để ban sự cứu rỗi và bình an cho những người đến kêu xin ơn thương xót. Hai con đường Đức Chúa Trời đặt trước A-đam, cũng được đặt trước mỗi chúng ta, và ngày nay chúng ta vẫn được tự do lựa chọn. Chúng ta đang sống trong thời đại ân sủng khi Đức Chúa Trời vẫn giữ lại sự trừng phạt đời đời mỗi chúng ta đáng phải chịu.
Chính sự hiện diện của tội lỗi làm con người không có hạnh phúc thật. Chính tội lỗi khiến con người không thể đạt được thế giới đại đồng từng mơ ước. Mỗi kế hoạch, mỗi nền văn minh con người xây dựng đến cuối cùng đều thất bại và rơi vào quên lãng vì mọi công trình con người làm đều không thực hiện trong sự công chính. Những đổ nát xung quanh chúng ta vào chính giây phút này là chứng nhân cho tội lỗi đang ngập tràn thế giới.
Nguyên Nhân Và Hậu Quả
Con người dường như đã không còn thấy luật nhân quả thường hữu vẫn đang vận hành ở mọi cấp độ trong vũ trụ. Hậu quả thì khá hiển nhiên, nhưng nguyên nhân sâu xa, bao trùm thì dường như kém rõ ràng hơn, có lẽ vì những tác hại của triết lý hiện đại về “tiến bộ” đã làm nhãn quan nhân loại không còn tinh tường nữa. Có lẽ vì con người quá say mê cái lý thuyết nhân tạo, ngu dại này nên đã bám chặt lấy niềm tin tưởng rằng nhân loại đang tiến chậm nhưng chắc đến đỉnh cao hoàn thiện.
Nhiều triết gia lại còn lập luận rằng thảm kịch hiện đại của thế giới bất quá chỉ là một biến cố trong bước tiến đi lên khi nêu ra rằng trong lịch sử nhân loại cũng đã từng có những thời kỳ u tối vô vọng như vậy. Họ cũng bảo rằng những điều kiện đáng buồn của thời đại chúng ta đang sống chẳng qua chỉ là cơn đau lúc lâm bồn báo hiệu một ngày tươi sáng! Rằng nhân loại đang chập chững đi trong vườn trẻ mà chặng đường nên người hiểu biết, trưởng thành vẫn còn hàng bao nhiêu thế kỷ nữa!
Nhưng Kinh Thánh đã làm sáng tỏ điều khoa học tự nhiên dường như không muốn nhìn nhận đó là thiên nhiên bày tỏ cả về Đấng Tạo Hóa lẫn kẻ phá hoại. Con người đổ lỗi cho Đấng Tạo Hóa về việc làm của kẻ phá hoại. Con người quên rằng thế giới chúng ta hiện đang sống không còn giống như thế giới Đức Chúa Trời tạo dựng. Đức Chúa Trời sáng tạo thế giới toàn hảo nhưng tội lỗi đã làm hư hỏng. Đức Chúa Trời tạo dựng con người trong trắng, nhưng tội lỗi xâm nhập khiến con người trở thành ích kỷ. Mọi biểu hiện của điều ác đều là hậu quả của nguyên tội căn bản không thay đổi từ khi nó xâm nhập nhân loại. Nó có thể biểu lộ khác nhau nhưng về căn bản nó vẫn là cái khiến cho một người Phi châu man rợ với cây giáo trong tay rình rập nạn nhân bên lối mòn, cũng như khiến cho viên phi công học thức lái phản lực cơ bay ngang cùng khu rừng đó bất ngờ thả bom xuống ngôi làng.
Hai con người trên có lẽ cách xa nhau hàng thế kỷ văn hóa. Một đàng “tiến bộ” hơn, có mọi ưu thế của một nền văn minh nhân tạo, trong khi người kia vẫn còn ở tình trạng bán khai. Nhưng có thật sự họ khác nhau không? Không phải cả hai đều bị thôi thúc bởi nỗi sợ hãi và nghi ngờ người khác sao? Không phải cả hai đều hành động theo tư kỷ, nhất định đạt mục tiêu riêng bằng mọi giá? Quả bom có ít man rợ hơn, ít độc ác hơn mũi giáo trần không? Hay quả bom có vẻ “văn minh” hơn? Chúng ta có hy vọng tìm ra giải pháp cho những nan đề của nhân loại trong khi cả những người “sơ khai” nhất lẫn những người “tiến bộ” nhất đều chỉ muốn chém giết hơn là yêu thương hay không? Tất cả những chuyện đau buồn, cay đắng, bạo động, thảm kịch, đau thương, hổ nhục trong lịch sử con người đều được tóm tắt trong một chữ – tội lỗi. Ngày nay, phản ứng thông thường nhất khi tội ác được chỉ đích danh là người ta sẽ vênh mặt lên bảo, “Thì đã sao?” Thật ra con người đã cố ý làm cho tội lỗi trở thành phổ thông và đáng yêu! Những chương trình truyền hình nổi tiếng trên đất nước này rất quan tâm đến những thành phần giàu có, suy đồi. Tạp chí thì cổ võ cho những chuyện vô luân, đồi bại, bệnh hoạn. Tội lỗi ở trong con người. Tội ở trong “tôi.”
Con người không muốn bị gọi là tội nhân dù chính cha mẹ, ông bà của họ cũng đã là tội nhân từ trước! Dầu vậy Kinh Thánh tuyên bố, “Không phân biệt gì hết, mọi người đều đã phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế” (Rô-ma 3:22-23). Kinh Thánh tuyên bố rằng mỗi con người trên trần gian đều là tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời; mỗi khi tôi nghe có ai muốn luồn lọt, tránh né lời tuyên bố mạnh mẽ trên tôi nhớ lại câu chuyện một chấp sự đến nói với mục sư về vấn đề tội lỗi.
Ông bảo, “Thưa mục sư, hội thánh chúng tôi xin mục sư đừng nói quá nhiều và quá thẳng về tội lỗi. Chúng tôi ngại rằng con cái chúng tôi nếu phải nghe ông giảng quá nhiều về đề tài đó, chúng sẽ rất dễ trở thành tội nhân. Chúng tôi đề nghị ông chỉ nên gọi đó là những “sai sót” hay bảo rằng thanh niên của chúng ta có lỗi “phán đoán dở” chứ xin đừng nói quá mạnh đến chuyện phạm tội.”
Ông mục sư bước tới, lấy xuống một lọ thuốc độc để ở ngăn cao nhất trên kệ. Lọ thuốc dán nhãn đỏ thật to: “Thuốc Độc”. Đưa cho viên chấp sự xem, ông hỏi, “Ông muốn tôi làm gì? Ông có muốn tôi lột bỏ cái nhãn này rồi thay vào bằng một nhãn khác đề “Thuốc Bạc Hà” không? Ông không thấy là dán nhãn nhẹ hơn sẽ làm lọ thuốc độc này càng nguy hiểm hơn sao?”
Tội lỗi – cái tội muôn đời, cố cựu ngày xưa đã khiến A-đam thất bại chính là cái làm chúng ta ngày nay đau khổ. Nó sẽ gây tổn hại nặng nề hơn nếu chúng ta dán cho nó cái nhãn đẹp đẽ, hấp dẫn hơn. Chúng ta không cần từ mới để chỉ tội lỗi. Điều cần là tìm hiểu xem từ ngữ đã dùng mang ý nghĩa nào bởi vì dù ngày nay tội lỗi lan tràn khắp thế giới, trở thành phổ thông và đầy quyến rũ, nhưng vô số người vẫn không thực sự hiểu được ý nghĩa đích thật của tội lỗi là gì. Chính quan điểm thiển cận, sai lạc về tội lỗi đã cản trở nhiều người đến với Chúa. Cũng chỉ vì thiếu sự hiểu biết tận tường về tội lỗi mà nhiều Cơ đốc nhân đã không thể sống cuộc đời cơ đốc chân thật.
Một bài tâm linh ca cổ điển của người da đen có câu, “Mọi người nói về thiên đàng mà không đến thiên đàng,” điều này cũng rất đúng đối với tội lỗi. Mọi người nói về tội lỗi nhưng không có một nhận thức rõ ràng tội lỗi là gì vì vậy điều tối quan trọng là làm sao chúng ta thấy thật rõ, thật rành rọt về quan điểm của Đức Chúa Trời về tội lỗi.
Có thể chúng ta cố gắng coi nhẹ tội lỗi, cho là “những yếu đuối của con người.” Chúng ta cũng có thể coi đó là chuyện vặt, nhưng Đức Chúa Trời gọi đó là một thảm kịch. Chúng ta làm cho tội lỗi có vẻ là những tai nạn, nhưng Đức Chúa Trời coi đó là cả một sự ghê tởm. Con người tìm cách chữa tội nhưng Đức Chúa Trời công bố tội lỗi để có thể cứu con người khỏi tội. Tội lỗi không phải là đồ chơi để mua vui nhưng là một nỗi kinh hoàng phải tránh né! Vì vậy chúng ta cần học hỏi xem tội lỗi là gì trong cái nhìn của Đức Chúa Trời!
Tiến sĩ Richard Beal cho chúng ta năm từ chỉ tội lỗi.
Thứ nhất: tội lỗi là vô luật pháp, vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời (I Giăng 3:4). Đức Chúa Trời thiết định biên giới giữa thiện lành và gian ác, và mỗi khi chúng ta vượt qua giới hạn, mỗi khi xâm phạm vùng cấm địa của tội lỗi, chúng ta can phạm luật Chúa. Mỗi khi không sống theo muời giới răn, mỗi khi đi trái với những nguyên tắc trong bài giảng trên núi, chúng ta phạm luật Chúa và phạm tội.
Nếu nhìn vào từng điều trong Mười giới răn, bạn sẽ thấy ngày nay con người không chỉ cố ý phạm mà còn thích thú ca ngợi việc sai phạm! Từ tội thờ thần tượng, tức là đặt bất cứ điều gì trên Đức Chúa Trời, cho đến việc nhớ và biệt thánh ngày nghỉ (nếu tín hữu đồng loạt không xem thì các trận đấu bóng bầu dục và dã cầu vào những ngày Chúa Nhật sẽ ra sao?) đến việc hiếu kinh cha mẹ (có những quyển sách như Mommie Dearest phơi bầy tội lỗi cha mẹ), đến tội tham lam, tội tà dâm, chúng ta thấy dường như người ta bảo nhau đồng loạt cố ý phạm tất cả các giới răn của Đức Chúa Trời. Không những thế, dường như người ta còn cố ý làm cho việc phạm giới răn trở thành thích thú, hấp dẫn!
Thánh Gia-cơ vạch rõ rằng tất cả chúng ta đều mắc tội, ông viết, “Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn lòng tư dục cưu mang, sinh ra tội ác; tội ác đã trọn sinh ra sự chết” (Gia-cơ 1:14,15). Đó là vì tất cả chúng ta đều phạm luật Chúa, tất cả đều phạm giới răn khiến chúng ta đều trở thành tội nhân.
Thứ hai: Kinh thánh mô tả tội lỗi là sự độc ác, bất công (iniquity). Bất công là đi lệch khỏi điều phải dù hành vi đó có bị cấm đoán minh thị hay không. Sự độc ác, bất công liên quan đến những động cơ sâu kín bên trong là những điều chúng ta thường cố giấu khỏi con mắt loài người cũng như Đức Chúa Trời. Chúng là những sai trật xuất phát từ bản chất sa ngã hư hoại, hơn là từ những hành vi gian ác dưới áp lực của hoàn cảnh khiến chúng ta phạm tội.
Chúa Giê xu mô tả bản chất hư hoại bên trong này như sau, “Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người” (Mác 7: 21-23).
Thứ ba: Kinh thánh định nghĩa tội lỗi là không trúng đích, không đạt được mục tiêu đề ra. Mục tiêu của Đức Chúa Trời là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đối tượng và mục đích cuối cùng của mọi cuộc đời là sống theo tiêu chuẩn đời sống Chúa Cứu Thế. Ngài đến để chỉ cho chúng ta điều con người có thể thành đạt trên đất, và khi không theo nổi gương Chúa, chúng ta sai mục tiêu, hụt mất tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.
Thứ tư: tội lỗi là một hình thức vi phạm. Đó là theo ý riêng xâm phạm vào lãnh vực thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Tội lỗi không chỉ có khía cạnh tiêu cực, không chỉ là thiếu lòng yêu mến Đức Chúa Trời . Tội lỗi là một sự lựa chọn tích cực, ưa thích bản ngã hơn Đức Chúa Trời. Đó là tập trung tình yêu vào chính mình thay vì đem cả tấm lòng dâng lên yêu mến Đức Chúa Trời. Chủ trương duy ngã và ích kỷ là những dấu hiệu rõ ràng của tội lỗi y như trộm đạo và giết người. Có lẽ đây lại chính là hình thức tội lỗi quỉ quyệt và tàn hại nhất của tội lỗi, vì chính trong hình thức tội lỗi này người ta dễ bỏ qua không thấy cái nhãn trên chai thuốc độc. Những người bám chặt lấy chính mình, tập trung mọi quan tâm, chú ý vào chính mình, những người chỉ lưu tâm đến những điều mình thích và chỉ tranh đấu, bảo quyền lợi riêng, thì đây là những tội nhân không thua gì những kẻ say sưa và phường đĩ điếm.
Chúa Giê-xu phán: “Nếu một người được cả thiên hạ mà mất linh hồn thì có ích gì?” (Mác 8:36). Chúng ta có thể dùng ngôn ngữ hiện đại để diễn đạt như sau: “Nếu một người xây dựng được cả một nền kỹ nghệ khổng lồ mà bị bệnh ung loét bao tử, không được vui hưởng lạc thú cuộc đời thì có ích gì? Nếu một nhà độc tài chinh phục được nửa địa cầu mà phải trường kỳ sợ hãi viên đạn báo thù hay lưỡi dao thích khách thì có ích gì? Nếu một bậc cha mẹ nuôi con bằng sự khắc nghiệt, áp chế để khi lớn nó bỏ mặc cha mẹ trong cô đơn của tuổi già thì có ích gì?” Hiển nhiên tội yêu bản ngã là một tội chết người.
Thứ năm: tội lỗi là vô tín. Vô tín là tội vì nó xúc phạm tính chân thật của Đức Chúa Trời. “Ai tin Con Đức Chúa Trời thì có chứng ấy trong mình; còn ai không tin Đức Chúa Trời, thì cho Ngài là nói dối, vì chẳng tin đến chứng Đức Chúa Trời đã làm về Con Ngài” (I Giăng 5:10).
Chính lòng vô tín đóng cửa thiên đàng và mở toang cửa địa ngục. Chính lòng vô tín loại bỏ Lời Đức Chúa Trời và phủ nhận Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế. Chính lòng vô tín đã khiến con người bịt tai không nghe tin lành và phủ nhận phép lạ của Chúa.
Tội lỗi đưa đến án chết và không ai có khả năng tự cứu khỏi án phạt tội lỗi hoặc tẩy sạch chính tấm lòng hư hoại của mình. Cả thiên sứ lẫn con người không thể chuộc tội. Chỉ trong Chúa Cứu Thế mới có phương thuốc chữa bịnh tội lỗi. Chỉ duy Chúa Cứu Thế mới cứu được tội nhân khỏi số phận đời đời đang chờ đón như Kinh Thánh khẳng định, “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23); “Linh hồn nào phạm tội sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4); “Chẳng có người nào chuộc được anh em mình , hoặc đóng giá chuộc người nơi Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 49:7); “Hoặc bạc hoặc vàng của chúng nó, đều không có thể giải cứu chúng nó trong ngày thạnh nộ của Chúa Hằng Hữu…” (Sô-phô-ni 1:18).
Phương Thuốc Duy Nhất
Phương thuốc duy nhất cứu rỗi con người ra khỏi tội lỗi tìm thấy trên một ngọn đồi trọc hoang vu hình sọ, một tên trộm treo thân trên cây thập tự, cây bên kia treo một kẻ sát nhân, chính giữa là Con Người đội mão gai. Máu từ tay, chân Ngài chảy ra. Máu tuôn ra từ vết giáo bên sườn, máu từ những lỗ gai đâm trên đầu trên trán Ngài tuơm đầy mặt, trong khi đám đông bên dưới dửng dưng đứng nhìn chế diễu, nhạo cười.
Con người chịu cực hình này là ai, con người bị săn đuổi, hạ nhục và giết hại này là ai? Ngài là Con Thượng Đế, là Chúa Bình An, là Sứ Giả của thiên đàng cho trần gian ô tội. Ngài là Đấng các thiên thần phủ phục tôn thờ, che mặt không dám nhìn lên, thế mà Ngài đã bị chối bỏ, bị treo thân, đổ máu trên thập tự kia! Điều gì đã đưa Ngài đến chỗ kinh khủng này? Ai đã khiến cho Đấng đến dạy chúng ta bài học yêu thương phải chịu những cực hình kia? Cả tôi và bạn đều là thủ phạm, vì đó là do tội lỗi của bạn cũng như tội lỗi của tôi mà Chúa Giê-xu bị đóng đinh vào thập giá. Trong chính giấy phút bất tử này nhân loại vươn tới những kinh nghiệm đen tối nhất của tội lỗi, chìm xuống những vực thẳm sâu hơn hết, đụng đến những giới hạn gian ác nhất, chẳng trách được chính vì thế mà cả đến mặt trời cũng phải che mặt lại! Như Charles Wesley đã viết:
“Tôi được hưởng gì trong huyết Chúa Cứu Thế? Ngài đã chết vì tôi, nhưng ai đã làm Ngài đau đớn… Oi tình yêu kỳ diệu! Làm sao Đức Chúa Trời lại có thể chịu chết vì tôi?
Nhưng tội lỗi đã bị đánh bại trên thập tự giá. Sự bất công ghê tởm của con người khiến Chúa Cứu Thế bị đóng đinh đã trở thành phương tiện mở đường cho con người được giải phóng. Kiệt tác của tội lỗi về ô nhục và hận thù đã trở thành kiệt tác của Đức Chúa Trời về lòng thương xót và tha thứ. Qua sự chết của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá, chính tội lỗi của những người tin Ngài đã bị đóng đinh vào đó. Trên thập tự giá, tội lỗi đã bị chinh phục, sự chết của Chúa Cứu Thế trở thành nền tảng của hy vọng, thành lời hứa chiến thắng của chúng ta! Trên cây gỗ Chúa Cứu Thế đã mang trên chính thân thể Ngài mọi tội ác vốn xiềng xích chúng ta. Ngài đã chết cho chúng ta và sống lại. Ngài đã minh chứng rằng mọi lời hứa của Đức Chúa Trời cho con người là chân thật cho nên nếu bạn tiếp nhận Chúa Cứu ThếGiê-xu hôm nay bằng đức tin, mọi tội lỗi bạn cũng sẽ được tha thứ. Bạn có thể biết chắc chắn rằng qua tình thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu, linh hồn bạn được tẩy sạch và được cứu khỏi án phạt tội lỗi.