Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Hồ sơ vụ án ông Trần Xanh: Thư gửi Nguyễn Văn Thẩm - Cục trưởng Cục xăng dầu

Tập thể trên đã xây dựng nên truyền thống hết sức tốt đẹp mà tôi thấy kẻ nào đó muốn nói sai, nói xấu thì các nhà lịch sử chân chính đã nói đại ý: “ Nếu ngày nay ta dùng súng lục bắn vào truyền thống và chiến công của quá khứ thì thế hệ mai sau sẽ dùng đại bác bắn vào các thành tích và truyền thống đang xây dựng ngày nay”. Điều đó ta nên ngẫm nghĩ.
Riêng đối với trường Đại học Bách khoa tôi nghĩ rằng sau khi nghiên cứu kỹ, Cục xăng dầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh về phê bình và tự phê bình thì ít nhất nên có thư xin lỗi vì quá “ vô ơn”!



Hà Nội, ngày     tháng  9 năm 2003

Kính gửi:              Đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Thẩm - Cục trưởng Cục xăng dầu

Khi đọc bài “ người đầu tiên tái tạo bơm di động” của Mai Trọng Phước đăng trên báo hậu cần số 4 (951) năm 2003 tôi rất sửng sốt về rất nhiều điểm sai, tôi bèn phải viết một bài “ thiết kế và chế tạo thành công trạm bơm dã chiến cao áp, một thành công của sự hợp tác có hiệu quả của trong và ngoài quân đội”. Mục đích là để nói rõ tóm tắt quá trình kết quả của chủ trương thiết kế, chế tạo thử, nghiệm thu và sản xuất hàng loạt trạm bơm cao áp dã chiến ra sao. Tôi không nói gì  trực tiếp những sai lầm trong bài báo, nhưng tôi phải biên thư cho đồng chí rõ những sai lầm trong bài báo.

Mặc dù năm 1998 lúc đọc trong lịch sử ngành xăng dầu tập I, trang 136 do Mai Trọng Phước chỉ đạo  biên soạn có nhiều điểm sai, tôi đã gửi bản hợp đồng giữa Cục xăng dầu và Trường Đại  học Bách khoa và bản “thuyết minh thiết kế” (photo) để Mai trọng Phước đọc thấy rõ sai sót để sau  này  tái bản đính chính, song nay trong bài báo nói trên, các sai sót cứ lặp đi lặp lại không hiểu nổi!

A.      Trước hết nói về đồng chí Nguyễn Văn Sên, công nhân bậc 7 có tay nghề cao đã hàn được cặp đĩa bơm lắp vào trạm bơm cơ động dã chiến chế thử đã hoàn chỉnh, duy có đĩa bơm đúc bằng công nghệ ly tâm thì lúc ấy Bộ cơ khí và luyện kim, có sự chi việc của Tổng cục hậu cần đang tập trung lực lượng dựng phân xưởng đúc ly tâm ở nhà máy công cụ số 1 hà nội và đến cuối năm 1970 mới xây dựng xong và mới đúc được hàng loạt bơm theo thiết kế.

Nhờ có công của đồng chí Sên, việc thử nghiệm trạm máy chế thử tiến hành được sớm, cái đó hồi đó Cục cũng công nhận và khen thưởng, song nâng lên đến mức “ người đầu tiên tái tạo bơn di động Trường Sơn” thì quá khoác loác!

B.      Còn cái sai thì tóm tắt như sau:

1.       Nói trường đại học Bách khoa lúc thiết kế tổ hợp máy bơm “ công việc dường như trôi chảy nhưng đến khi đụng đến khâu thiết kế cánh bơm thì bị chững lại!...(xem dòng 13,14,15,…trang 136 quyển 1, lịch sử ngành xăng dầu), trong bài báo lại nói “ Cục đã phân công người đến các trường đại học, các nhà khoa học, các nhà máy tham khảo ý kiến, việc  khó khăn nhất là phải làm sao lấy cho được hình mẫu đường cong” ( tạp chí hậu cần số 4 cột 1, dòng 22,23,24,25) sau phải nhờ anh Sên mới lấy được. Tôi xin gủi bản thuyết minh thiết kế theo mẫu trạm bơm dầu lưu động ᴨHY35/70” đã trình tổng cục Hậu cần và Cục xăng dầu nghiệm thu và giao cho Cục xăng dầu và Q165 cùng tổ chức thiết kế bước vào chế thử.Bản hợp đồng gốc anh Phước còn giữ, hơn 100 bản vẽ chi tiết lưu ở Q165 và ở phòng kỹ thuật Cục xăng dầu. Đồng chí Cục trưởng đọc qua bản thuyết minh trình độ thiết kế rất cao của trường đại học Bách khoa thời đó, kể cả việc xác minh trên thực tế các đường cong không nhìn thấy trên vành đĩa bơm sau khi đã xác định bằng tính toán lý thuyết ( xin xem trang 4, 6, 7 chỗ tôi có đánh dấu trên bản thuyết minh).

2.       Nói không đúng về sự phối hợp kém của các nhà máy ngoài quân đội: Riêng máy bơm xăng thì không có cơ sở công nghệ nào sản xuất ( bài báo trên, trang 40, 3 dòng cuối cột 3 và 2 dòng đầu cột 1 trang 41). Thực tế lúc có thiết kế , đi vào chế thử thì nhà máy cơ khí dụng cụ số 1, nhà máy bơm Hải Dương (đúc vỏ bơm), nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đều tham gia sản xuất, tất nhiên nhà máy Q165 cũng cùng phòng kỹ  thuật (Ban cơ khí) Cục xăng dầu cũng phải làm việc rất nhiều để sản xuất bộ phận làm mát bổ sung cho máy nổ 3Nл-157, chế tạo gầm bệ và các kỹ sư dưới sự chỉ đạo của đồng chí Mẫn phó giám đốc cùng nỗ lực rất nhiều song không phủ nhận được phần quyết định của các nhà máy cơ khí trong việc sản xuất các chi tiết chính xác.

3.       Nói không rõ về vai trò của anh Đỗ Mười, Phó thủ tướng, anh Đinh Đức Thiện chủ nhiệm Tổng cục hậu cần và các anh Lương Nhân, Trần Đại Nghĩa có sự quyết tâm lớn và chỉ đạo cụ thể , sát sao Cục xăng dầu thực hiện các bước đi chặt chẽ vì các anh từng là lãnh đạo Bộ cơ khí luyện kim, Cục quân giới Bộ quốc phòng chỉ đạo thiết kế và sản xuất  nhiều thiết bị quan trọng về kinh tế và vũ khí hiện đại (SKZ, Bazoka,…) không thể để cho một số anh em tự động làm cái việc động trời như cột 2 dòng 4 trang 41, bài báo đã nói. Anh Lại Văn Mạn Cục phó Cục xăng dầu, nguyên giám đốc xưởng chế tạo vũ khí quan trọng Z1, Cục quân giới, lúc về Cục đã rất tích cực chỉ đạo công tác thiết kế, chế thử, chạy thử nghiệm và sau đó chỉ đạo cơ quan và Q165….tổ chức sản xuất hàng loạt trạm bơm Trường Sơn, sau lúc lắp vào tuyến đường ống T70, tất cả các anh Đỗ Mười, Đinh Đức Thiện, Lương Nhân và lãnh đạo Cục đều đi thị sát xem vận hành có đúng như các tiêu chuẩn chất lượng đề ra không. Vả lại có một sự thật đơn giản là nếu không có chủ trương của các anh thì ai cấp ngân sách cho Cục xăng dầu, ai lệnh được cho Cục quản lý xe cấp máy nổ mới của xe 3Nл-157 là loại máy nổ rất quý hiếm của loại xe chủ lực tuyến 559, đường xá xấu, xe hỏng nhiều cần máy mới để đại tu. Còn tôi tuy nhận chức vụ trưởng phòng kỹ thuật từ  24/8/1968 trong suốt từ tháng 4/1968 đến 4/1969 công tác trên tuyến Nghi Văn, sau lúc tuyến dã chiến này hoàn thành và tết giao thừa năm Kỷ Dậu 1969 vận hành xăng dầu vượt Trường Sơn vào Natong, bàn giao kỷ thuật cho binh trạm 169 mới về Cục nhận nhiệm vụ, đã cùng anh em trong phòng một lúc nỗ lực 3 việc: chỉ đạo thiết kế nhất là thiết kế thi công tuyến đường ống hàn Φ100 đưa xăng từ Hải Dương về Nhân vực có đường nhánh rẽ về kho Đỗ Xá và Văn Điển và tuyến chính đi vào Vinh nối với tuyến 169, phối hợp với cơ quan của Cục và cơ sở Cục cùng trường Đại học Bách Khoa tổ chức thiết kế chế tạo thử các phụ kiện đường ống dã chiến và trọng tâm là sản xuất bơm cao áp di động  như đã nói ở trên theo chủ trương của lãnh đạo Tổng cục và Cục, ngoài ra còn một việc thứ 3 anh Đinh Đức Thiện chỉ thị riêng vì lí do bảo mật là phải nắm chắc các thiết kế trên, cùng cơ quan Cục chuẩn bị đơn đặt hàng xin Trung Quốc viện trợ 1800 Km đường ống đồng bộ với thiết bị bơm, thiết bị vật tư thi công và vận hành đường ống hàn và dã chiến ( trong đó có 250km đường ống hàn Φ100  và 1550 km đường ống dã chiến) và cuối năm 1970 tham gia đoàn đàm phán xin viện trợ theo đơn đặt hàng do anh Lý Ban,thứ trưởng ngoại thương làm trưởng đoàn, anh Nguyễn Trọng Vĩnh, Cục trưởng Cục quân nhu, đoàn viên lo việc giải trình đơn hàng quân nhu, tôi cũng là quân đoàn viên,lo giải trình đơn hàng thiết bị vật tư xăng dầu, tôi phải ở lại Trung Quốc 2 tháng đi các cơ sở  sản xuất Trung Quốc để trình bày các yêu cầu kỹ thuật  nhất là của ống và trạm bơm cao áp có chất lượng đúng theo tiêu chuẩn Liên Xô, để có thể lắp lẫn các trạm bơm và các ống trên tuyến để không phải thay đổi thiết kế thủy lực và khoảng cách bố trí trạm bơm có thể lắp lẫn các phụ kiện trong tổ hợp bơm lúc trung tu, đại tu, chất lượng kích thước ống thép cao cấp TC10 mạ kẽm, trọng lượng nhẹ để bộ đội thi công mang vác được (ống dã chiến), thi công nhanh. Vì Trung Quốc sản xuất lần đầu các thiết bị bơm và ống dã chiến nên phải bàn bạc lâu mới đạt yêu cầu như lãnh đạo ở nhà đề ra.

Nói thế là để thấy tôi phải giúp Cục và anh Mẫn theo dõi, tổ chức chỉ đạo các công tác trên, nhất là việc chế tạo bơm cao áp một cách chặt chẽ và  nhờ trí thức và công lao tập thể của cả công lao anh Nguyễn Văn Sên thì mới có cơ sở trình bày với phía Trung Quốc.

Tập thể trên đã xây dựng nên truyền thống hết sức tốt đẹp mà tôi thấy kẻ nào đó muốn nói sai, nói xấu thì các nhà lịch sử chân chính đã nói đại ý: “ Nếu ngày nay ta dùng súng lục bắn vào truyền thống và chiến công của quá khứ thì thế hệ mai sau sẽ dùng đại bác bắn vào các thành tích và truyền thống đang xây dựng ngày nay”. Điều đó ta nên ngẫm nghĩ.
Riêng đối với trường Đại học Bách khoa tôi nghĩ rằng sau khi nghiên cứu kỹ, Cục xăng dầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh về phê bình và tự phê bình thì ít nhất nên có thư xin lỗi vì quá “ vô ơn”!

Xin trân trọng cảm ơn!

Ký tên

Trần Xanh

Kỹ sư công trình tang trữ và vận hành nhiên liệu quân dụng. Nguyên phó Cục trưởng Cục xăng dầu, Viện trưởng Viện kỹ thuật xăng dầu đã chuyển ngành về hưu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét